Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Mũ bảo hiểm thiết kế riêng cho phụ nữ người dân tộc

Với búi tóc cao trên đầu, việc đội mũ bảo hiểm của nhiều phụ nữ người dân tộc gặp khó khăn. Thiết kế mũ khoét lỗ để đưa ra búi tóc ra ngoài, hay mũ trùm cả tóc đều không đảm bảo an toàn và không đúng với tiêu chuẩn thiết kế hiện nay.
Tại hội thảo về mũ bảo hiểm cho phụ nữ dân tộc thiểu số sáng 27/8, đại diện hãng chuyên sản xuất mũ đã đề xuất 2 kiểu cho chị em dân tộc có búi tóc. Đó là loại mũ khoét lỗ để đưa búi tóc ra ngoài và loại không khoét lỗ để chùm búi tóc.
Theo đại diện của hãng này, điểm hạn chế là mũ không cắt lỗ thì trọng lượng xấp xỉ một kg, người đội sẽ không thấy thoải mái, có cảm giác chênh vênh vì trọng tâm mũ cao. Còn mũ cắt lỗ thì không đảm bảo an toàn cho người đội nếu bị tai nạn đâm xuyên qua búi tóc. Tuy nhiên, mối lo ngại nhất là cả hai loại này đều không đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế mũ bảo hiểm hiện nay.
Về chi phí, thời gian sản xuất, loại khoét lỗ có chi phí tương đương mũ bảo hiểm hiện nay, còn loại không khoét lỗ cao hơn 30-60%.
dan-toc-8618-1440661204.jpg
Nhiều phụ nữ dân tộc không muốn tháo búi tóc để đội  mũ bảo hiểm.
Ông Lại Huy Doanh, đại diện Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học), nhận xét cả hai thiết kế này chưa đảm bảo an toàn, thẩm mỹ với phụ nữ dân tộc vì họ búi tóc cao 10 cm. Nếu đội mũ này thì chỉ cần va chạm là nhiều vật sẽ đâm vào đầu. Ngoài ra, nếu theo quy chuẩn kiểu dáng hiện hành thì các kiểu mũ này đều không đảm bảo.
Ông Doanh gợi ý, trước mắt cần lấy ý kiến của phụ nữ dân tộc để chọn loại mũ bảo hiểm thích hợp. Nếu có kiểu dáng phù hợp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ bổ sung tiêu chuẩn thiết kế cho một số loại mũ đặc thù dành riêng cho đồng bào thiểu số.
"Nếu chờ quy chuẩn mũ cho người dân tộc thì phải mất cả năm, chúng ta cần thí điểm triển khai ngay để khuyến khích chị em sử dụng. Đồng bào dân tộc chỉ chiếm 1% người tham gia giao thông, nhưng chúng ta phải quan tâm", ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông nói. 
Theo ông Hùng, phụ nữ dân tộc Thái rất tuân thủ đội mũ bảo hiểm song loại mũ hiện nay không bảo hiểm được cho họ. Đây là việc mà cơ quan chức năng phải suy nghĩ để đồng bào vừa tuân thủ pháp luật, vừa gìn giữ được giá trị văn hóa và được đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
a1-5523-1440661204.jpg
Loại mũ bảo hiểm khoét lỗ được hãng Protect nghiên cứu.
Trước đó, đại diện Ban An toàn giao thông các tỉnh bày tỏ sự cần thiết có mũ bảo hiểm cho phụ nữ người dân tộc. Theo đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Hòa Bình, phụ nữ ở Hòa Bình thường chít khăn trên đầu, vấn tóc xung quanh hoặc buộc tóc trên đỉnh đầu. Để đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nhiều chị em thường phải tháo khăn, thay đổi kiểu buộc tóc nên mất nhiều thời gian trước khi ra đường. Họ thường không đội mũ bảo hiểm với chặng đường ngắn, khi đi làm nương rẫy.
"Người Thái có chồng thường búi tóc tằng cẩu, tuyệt đối không tháo tằng cẩu vì quan niệm ấn tính với chồng, nên họ thường đội mũ bảo hiểm trên cả búi tóc, cách đội này hoàn toàn không có tác dụng khi xảy ra tai nạn", đại diện Ban an toàn giao thông Hòa Bình nói.
"Tằng cẩu của người Thái còn đơn giản, phụ nữ người Mông búi tóc quanh đầu còn khó đội mũ bảo hiểm hơn", đại diện tỉnh Điện Biên nói và cho hay cảnh sát giao thông tỉnh này thường nhắc nhở, không xử lý nếu chị em người dân tộc không đội mũ bảo hiểm. Tuy vậy, phần lớn phụ nữ người dân tộc chấp hành tốt quy định khi tham gia giao thông, nhiều người còn mua mũ bảo hiểm trước khi mua xe máy.
"Để việc sản xuất mũ bảo hiểm phù hợp tập quán, đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khảo sát, lấy ý kiến các chị em đồng bào dân tộc", ông này nói.
Đoàn Loan